FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu: Thuế nhập khẩu giảm bao nhiêu?

Xét về mức độ giảm thu theo hiệp định này, phía Liên minh Kinh tế Á-Âu có mức giảm thu gấp khoảng 3 lần so với Việt Nam...Bộ Tài chính vừa có dự thảo Tờ trình về Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU) giai đoạn 2016 - 2018.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu giả định tỉ lệ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định VN-EAEU FTA là 15% và tỉ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EAV là 20% thì tổng thu từ thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định này trung bình giảm khoảng 1 triệu USD/năm.

Xét về mức độ giảm thu theo Hiệp định này thì phía Liên minh Kinh tế Á-Âu có mức giảm thu gấp khoảng 3 lần so với Việt Nam trong cùng giai đoạn.

Bộ Tài chính cho biết, xét về diện mặt hàng, một số nhóm mặt hàng có khả năng tác động đến thu ngân sách gồm: xăng dầu, ôtô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ôtô nguyên chiếc, phân bón, máy móc thiết bị...

Đây là các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ Liên minh Kinh tế Á-Âu và/hoặc một số phân nhóm được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định VN-EAEU có hiệu lực nên được dự báo có khả năng ảnh hưởng đến số thu ngân sách từ hoạt động nhập khẩu.

Cuối tháng 5 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA EAEU), bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan chính thức được ký kết với kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới.

Bộ Tài chính đánh giá, về tổng thể, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Thống kê cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam trong Hiệp định.

Cụ thể, theo cam kết về thuế nhập khẩu trong Hiệp định, biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam gồm 9.471 dòng thuế theo cấp mã 8 số (không bao gồm 87 dòng thuế CKD - đây là các mặt hàng bộ linh kiện hoàn chỉnh, hiện Việt Nam không áp dụng chính sách với diện mặt hàng này).

Thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt được thực hiện theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam đính kèm Hiệp định đã ký. Theo đó, ngay trong năm 2016, 4.959 dòng thuế được cắt giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 52,4% tổng biểu.

Tới năm 2018, sẽ có thêm 144 dòng thuế được cắt giảm về 0%, tăng tổng số dòng thuế 0% của Hiệp định lên 5103 dòng, chiếm khoảng 54% tổng biểu. Hiện có 17 dòng áp dụng hạn ngạch thuế quan thuộc 2 nhóm mặt hàng là trứng gia cầm và lá thuốc lá chưa chế biến.

Theo Lâm An
VnEconomy, 10/06/2016